Tổng hợp lịch toàn quốc, lịch các sự kiện lớn

Hội Gióng Phù Đổng, Hà Nội 2025

Ngày sự kiện: Từ ngày 04/05/2025 đến 06/05/2025
Số ngày nghỉ : Không

Nguồn gốc Hội Gióng Phù Đổng

Hội Gióng gắn với truyền thuyết về một cậu bé được mẹ sinh ra một cách kỳ lạ ở làng Phù Đổng. Khôi ngô, tuấn tú nhưng lên 3 mà vẫn chưa biết nói, biết cười, suốt ngày cậu chỉ nằm trong thúng treo trên gióng tre, vì thế được đặt tên là Gióng. 

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội

Vậy mà khi nghe thấy lời kêu gọi của nhà Vua tìm người tài giỏi đánh giặc ngoại xâm, Gióng bỗng lớn nhanh như thổi, rồi xung phong ra trận cứu nước, cứu dân. Sau khi dẹp tan quân giặc, ngài về núi Sóc rồi cưỡi ngựa bay lên trời.

Từ đó, ngài Gióng được thiêng hóa thành một vị Thánh bất tử bảo hộ mùa màng, hòa bình cho đất nước, thịnh vượng cho muôn dân. Để tưởng nhớ công ơn của ngài, người dân lập đền, thờ phụng và mở hội hằng năm với tên gọi là Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc. 

Đây là một trong những lễ hội lớn nhất vùng châu thổ Bắc Bộ, tổ chức theo một nghi thức được quy định chặt chẽ, chuẩn bị hết sức công phu, với sự tham gia đông đảo của dân làng quanh khu vực hai đền. 

Lễ hội Gióng Phù Đổng được bắt đầu tổ chức từ khoảng thế kỷ XI, vào đời Vua Lý Thái Tổ. Thời nhà Lý (1009-1225) từng rất coi trọng di tích và lễ hội Gióng. Vua Lý Công Uẩn đã cho xây đền thờ Phủ Đổng Thiên Vương, tổ chức lại Hội Gióng với một quy mô lớn.

Đến thời Lê (thế kỷ XV-XVI), hội Gióng đã nổi tiếng và được triều đình cử quan đại thần về chủ tế đức Thánh Gióng. Tiếp nối truyền thống, các vương triều sau cũng như vậy. Hội Thánh Gióng là lễ hội mà cộng đồng có vai trò to lớn trong việc bảo tồn và phát triển cả ngàn năm qua.

UNESCO công nhận Hội Gióng Phù Đổng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 11 năm 2010. 

Lễ hội Gióng Phù Đổng diễn ra như thế nào?

  • Địa điểm tổ chức: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội và một số địa điểm liên quan

  • Thời gian diễn ra:  mùng 7-9/4 âm lịch hàng năm. Năm 2025, Lễ hội Gióng Phù đổng diễn ra vào ngày 04-06/05/2025 dương lịch.

Phần lễ: Lễ tế Thánh tại Đền Thượng, ngoại đàn tại sân Đền Thượng, Lễ dâng hương, Rước khám đường, Lễ rước cỗ, Hội trận truyền thống tại Soi Bia..

Phần hội: nhiều hoạt động văn hoá - thể thao đa dạng như Lễ hội Hoa giấy Phù Đổng; Hội thi “Tiếng hót chim Chào mào”; Cúp bóng chuyền, cầu lông; Giải vật dân tộc; Văn nghệ quần chúng chào mừng; Biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống quan họ, hát chèo, hát tuồng…

Để biểu đạt những ý tưởng và triết lý dân gian hội Gióng như là một kịch trường dân gian rộng lớn với hàng trăm vai diễn tiến hành theo một kịch bản đã được chuẩn hoá. Hội Gióng Phù Đổng có dàn vai diễn hết sức phong phú cũng như các đạo cụ, y phục, mỗi một vai diễn đều chứa đựng những ý nghĩa hết sức sâu sắc. Đó là các ông “Hiệu“, hệ thống tướng lĩnh của Ông Gióng: “Phù Giá“,đội quân chính quy ; các “Cô Tướng“, tượng trưng các đạo quân xâm lược; Phường “Ải Lao“, trong đó có “Ông Hổ“,đội quân tổng hợp; “Làng áo đỏ“, đội quân trinh sát nhỏ tuổi; “Làng áo đen“,đội dân binh ....

Gợi ý lộ trình di chuyển tham dự Lễ hội Gióng Phù Đổng 2025

1. Từ trung tâm Hà Nội đến đền Phù Đổng

Khoảng cách từ trung tâm Hà Nội đến đền Phù Đồng khoảng 20km, thời gian di chuyển khoảng 50 phút, bạn có thể tham khảo lịch trình sau đây:
Di chuyển bằng xe máy, ô tô cá nhân

  • Xuất phát từ trung tâm Hà Nội ➝ đi theo QL1A cũ hoặc QL5 ➝ rẽ vào đường Hà Huy Tập ➝ đến xã Phù Đổng.
  • Gửi xe tại bãi đỗ xe gần đền và đi bộ vào khu lễ hội.

Di chuyển bằng xe bus: Tuyến 10B, 40, 54, 65, 284: Xuống tại trạm gần Phù Đổng, sau đó bắt xe ôm hoặc đi bộ.

Di chuyển bằng taxi, xe công nghệ: Thời gian nhanh, giá dao động từ 150.000 – 250.000 VNĐ/chiều.

2. Từ các tỉnh khác đến Lễ hội Gióng

Bằng tàu hỏa: Đi tàu đến ga Gia Lâm hoặc ga Long Biên, sau đó bắt taxi/xe ôm đến Phù Đổng (~10km).

Bằng xe khách: Đi xe khách đến bến xe Gia Lâm rồi tiếp tục đi taxi hoặc xe bus đến đền.

Bằng ô tô cá nhân:Từ Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng: Đi theo QL5 ➝ rẽ về Gia Lâm.

Từ Bắc Giang, Lạng Sơn: Đi theo QL1A hoặc cao tốc Bắc Giang – Hà Nội.

Lưu ý khi tham gia Lễ hội Gióng Phù Đổng 2025

Để tham gia hội Gióng Phù Đổng thuận lợi nhất bạn hay lưu ý:

  • Đi sớm, tránh cao điểm (đặc biệt ngày 9/4 Âm lịch) để hạn chế tắc đường và chen lấn.
  • Trang phục lịch sự, kín đáo, phù hợp với không gian tâm linh, tránh mặc quần áo quá ngắn.
  • Giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác, không viết vẽ lên di tích.
  • Cẩn thận tư trang, tài sản cá nhân, tránh móc túi, lừa đảo trong đám đông.
  • Không tự ý thắp hương, dâng lễ ở nơi không quy định, tuân theo hướng dẫn của ban tổ chức.
  • Hỏi giá trước khi mua đồ ăn, đồ lưu niệm để tránh bị “chặt chém”.
  • Khi tham gia các hoạt động tái hiện hội trận, cần giữ khoảng cách an toàn, tránh xô đẩy.
  • Đi xe cá nhân nên gửi tại bãi đỗ xe chính thức, tránh gửi ở những điểm tự phát với giá cao.
  • Tuân thủ hướng dẫn của ban tổ chức, không chen lấn, xô đẩy khi rước kiệu và xem hội trận.


Các sự kiện khác