Lễ hội Hoa Lư (còn được gọi là hội Trường Yên hay hội Cờ Lau) là một trong những lễ hội có niên đại lịch sử lâu đời nhất Việt Nam. Đây là lễ hội truyền thống diễn ra vào tháng Ba âm lịch hàng năm tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình để tưởng niệm các Vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành cùng nhiều anh hùng dân tộc.
Lịch sử của Lễ hội Hoa Lư
Hơn 1000 năm về trước, Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân đã lên ngôi hoàng đế với hiệu là Đinh Tiên Hoàng đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình và đóng đô ở Hoa Lư. Đây là nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên của đất nước ta. Vua Đinh Tiên Hoàng (924 - 979) ở ngôi Hoàng đế từ năm 968 đến năm 979.
Vua Lê Đại Hành (941 - 1005) từ một vị Thập đạo tướng quân của vương triều Đinh, góp sức dẹp loạn 12 sứ quân, giữ yên bờ cõi, sau lên ngôi Hoàng đế, kế tục xuất sắc sự nghiệp của nhà Đinh, vua Lê đã kháng Tống bình Chiêm thành công vào năm 981 - 982, có công phát triển đất nước về kinh tế, quân sự và văn hóa với những trang sử hào hùng.
Khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, nhân dân địa phương đã xây dựng đền thờ trên nền móng cũ của cung điện để tưởng nhớ công đức của hai vua: Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Nhân dân đã tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao to lớn của vua Đinh, vua Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Lễ hội được tổ chức hàng năm và trở thành Lễ hội truyền thống của cộng đồng dân
Năm 2014, Lễ hội Trường Yên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2016 lễ hội Trường Yên chính thức đổi tên thành lễ hội Hoa Lư.
Lễ hội Hoa Lư diễn ra như thế nào?
- Thời gian: Từ từ 6/3 - 8/3 âm lịch hàng năm. Năm 2024 lễ hội diễn ra vào ngày 14-16/4/2024 dương lịch
- Địa điểm: cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Lễ hội Hoa Lư mang đậm những nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc. Lễ hội gồm 2 phần:
Phần lễ : lễ mở cửa đền, lễ rước nước, lễ dâng hương, lễ rước lửa, Lễ mộc dục, lễ tiến phẩm, lễ rước kiệu và lễ hội hoa đăng.
- Phần lễ được mở đầu bằng lễ mở cửa đền trước ngày diễn ra lễ hội 1 ngày. Phần lễ mở cửa đền được diễn ra ở 2 đền Vua Đinh Tiên Hoàng và đền Vua Lê Đại Hành.
- Lễ mộc dục tắm tượng thần tiến hành vào nửa đêm hôm trước ngày khai hội sau khi làm lễ cáo thần.
- Lễ rước nước sẽ diễn ra vào sáng ngày 8/3 âm lịch, là nghi lễ mở đầu cho ngày khai hội.
- Lễ rước lửa là nghi thức thực hiện ở 2 đền thờ vua Đinh như một sự kết nối giữa nơi sinh ra, quá trình trưởng thành, hoàn thành sứ mệnh đất nước và kết thúc tại nơi ông lên ngôi Hoàng Đế. Ngọn lửa thiêng được thắp sáng và rước từ đền thờ Đinh Bộ Lĩnh (Gia Viễn, Ninh Bình) đến đền Vua Đinh Tiên Hoàng (Trường Yên, Hoa Lư). Lễ dâng hương diễn ra để cho dân chúng trăm họ trở về kính lễ với đức tiên đế.
- Ngoài ra còn có Lễ tiến phẩm, lễ rước kiệu, lễ hội hoa đăng đều diễn ra với không gian hết sức trang trọng, thể hiện tấm lòng biết ơn, tưởng niệm của nhân dân.
Phần hội:
- Phần hội của lễ hội Hoa Lư được diễn ra với đa dạng các trò chơi dân gian đặc sắc: tập trận, đua thuyền, múa gậy, thi hát chèo,... Một số trò chơi hội đặc trưng và tiêu biểu của lễ hội Hoa Lư có thể kể đến như:
- Cờ lau tập trận: đây là trò diễn dân gian nhằm diễn tả lại những buổi tập dượt, rèn luyện của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh tuổi niên thiếu. Tham gia màn diễn trò Cờ lau tập trận gồm 60 em thiếu niên 13-15 tuổi đứng hai bên múa hát đối đáp và diễn cảnh vua Đinh cầm cờ lau tập trận.
- Xếp chữ Thái Bình: Màn diễn xếp chữ Thái Bình để tưởng nhớ niên hiệu mà vua Đinh Tiên Hoàng đặt khi lên ngôi, đây cũng là tên gọi của đồng tiền Thái Bình đầu tiên ở Việt Nam. Tham gia màn này có 120 thiếu nữ mặc áo tứ thân màu xanh, tay cầm cờ, theo nhịp trống giục 3 tiếng một mà chạy kéo chữ.
- Ngoài ra Lễ hội Hoa Lư còn có các sự kiện hưởng ứng như: cuộc thi Người đẹp Hoa Lư, cúp bóng chuyền Hoa Lư, các hoạt động triển lãm, cuộc thi nhằm quảng bá du lịch, và các giải đấu thể thao…