Tổng hợp lịch toàn quốc, lịch các sự kiện lớn

Lễ hội Phủ Dầy, Nam Định 2024

Ngày sự kiện: Từ ngày 20/4/2024 đến 29/4/2024
Số ngày nghỉ : Không

Giới thiệu về Phủ Dầy

Phủ Dầy (gồm: Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát, Lăng Mẫu Liễu Hạnh) tọa lạc trên địa bàn hai thôn Tiên Hương và Vân Cát thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định.

Phủ Dầy thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị thần đứng đầu trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu (Tam phủ, Tứ phủ) của người Việt, đồng thời cũng là một trong “Tứ bất tử” của thần điện Việt Nam. 

Theo sử tích, Thánh Mẫu Liễu Hạnh vốn là con vua Ngọc Hoàng có tên là Đệ Nhị Quỳnh Hoa công chúa với 3 lần giáng sinh xuống cõi trần- quá trình tam sinh tam hóa vào các thế kỷ XV, XVI, XVII thì Thánh Mẫu Liễu Hạnh, là biểu tượng về tấm gương đức hạnh Trung -Trinh – Hiếu – Từ cùng công, dung, ngôn, hạnh.

Phủ Dầy ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ được nhân dân địa phương xây dựng để phụng thờ và tri ân công đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Trải qua các giai đoạn lịch sử, chính quyền, nhân dân và du khách thập phương công đức tiền của, công sức để trùng tu, xây dựng Phủ Dầy thành một quần thể kiến trúc thờ Mẫu khang trang, bề thế như hiện nay.

Cả ba di tích phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát và lăng Mẫu Liễu Hạnh, không chỉ có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học mà còn có giá trị về thẩm mỹ, kiến trúc nghệ thuật. Ngoài vị trí toạ lạc trong cảnh quan sơn thủy hữu tình, các di tích này đều có quy mô bề thế, kết cấu đăng đối, hài hoà, cùng với giá trị nghệ thuật đặc sắc thông qua các đề tài điêu khắc phong phú, đa dạng. 

Lễ hội Phủ Dầy 

“Lễ hội Phủ Dầy” cùng “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Địa điểm và thời gian diễn ra lễ hội Phủ Dầy

Thời gian: Lễ hội Phủ Dầy diễn ra hàng năm vào thượng tuần tháng 3 âm lịch (từ mông 1 đến ngày mồng 10 tháng 3). Năm 2024, lễ hội diễn ra vào khoảng ngày 20-29/4/2024 dương lịch.

Địa điểm: Quần thể di tích Phủ Dầy, thôn Tiên Hương và Vân Cát thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định.

Những nghi lễ đặc sắc trong lễ hội Phủ Dầy

Lễ hội Phủ Dầy là sự đan xen, hòa quyện giữa những nghi thức trang trọng và những hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc như: nghi lễ chầu văn hầu đồng, rước thỉnh kinh, rước đuốc, hội hoa trượng (hội kéo chữ), múa rồng, đấu vật, cờ người, chơi cờ đèn dưới nước…thu hút được sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều thành phần xã hội, đặc biệt là các tín đồ của tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo. 

Thông thường lễ hội Phủ Dầy được tổ chức từ ngày 1-10/3 Âm lịch với lịch trình như sau: 

  • Ngày mồng 1 hai thôn Tiên Hương và Vân Cát tế cáo mở cửa phủ khai hội.
  • Ngày mồng 2 Tiên Hương rước nước ở Giếng về “mộc dục” Thánh tượng, sau đó làm lễ bái yết cáo.
  • Ngày mồng 3 là chức quốc tế long trọng, chủ tế thường là quan tổng đốc Nam Định hoặc quan lại triều đình.  Lễ vật thường có bánh dầy, lợn sống, xôi, rượu, hoa quả …
  • Ngày mồng 4 chính giỗ ở Phủ Vân Cát, các quan chức triều đình: huyện,tổng,xã và con nhang đệ tử cùng nhân dân đều túc trực tế lễ chu đáo theo nghi thức long trọng.
  • Ngày mồng 5 Phủ Vân Cát rước Thánh Mẫu lên Chùa Dần (Vân Tháp Tự) ở xã Trung Thành lễ Phật rồi rước về.
  • Ngày Mồng 6 Phủ Tiên Hương rước Thánh Mẫu xuống chùa Gôi (Tiên Sơn Tự), nhưng gần đây rước lên chùa Báng (chùa Linh Sơn).
  • Vào các ngày mồng 7,8,9 còn có hội “Kéo Chữ” hay còn gọi là hội hoa trượng rất đẹp mắt và độc đáo  so với các hội khác.

Đến với lễ hội, người dân và du khách thập phương còn đến với không gian linh thiêng bao gồm 20 di tích, đền, phủ, chùa, lăng trong hệ thống thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định.

Video về Hội Phủ Dầy

 



Các sự kiện khác