Lễ Phật Đản là ngày nào?
Lễ Phật Đản được tổ chức vào ngày Rằm tháng Tư hàng năm, ở các nước theo đạo Phật là để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.
Trong đại lễ, Phật tử không sát sinh, chỉ ăn chay, phóng sinh và làm các công việc thiện nguyện.
Ngày Lễ Phật Đản 2025 là Đại lễ Phật Giáo lớn trên toàn thế giới kéo dài trong khoảng 1 tuần, từ ngày 8/4 - 15/4 Âm lịch ( tức ngày 5/5/2025- 12/5/2025 dương lịch).
Nguồn gốc và ý nghĩa của Lễ Phật đản
Đại lễ Phật đản hay là kỷ niệm ngày ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vào năm 623 trước Công nguyên.
Ngài là con trai của Đức vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da. Trước khi trở thành Phật, Ngài là Bồ Tát Hộ Minh, vị Bồ Tát Nhất Sinh Bổ Xứ tại cung trời Đâu Suất. Theo kinh điển Nguyên Thủy, Thái tử Tất Đạt Đa ra đời vào ngày trăng tròn tháng Vesak, tức tháng tư âm lịch.
Truyền thống của Việt Nam kỷ niệm ngày ra đời của Đức Phật Thích Ca là mùng 8.4 âm lịch. Năm 1950, Đại hội Liên hữu Phật giáo Thế giới họp 26 quốc gia (trong đó có Việt Nam) để thành lập Hội Liên hữu Phật giáo thế giới và công nhận ngày trăng tròn tháng 4 là ngày Đức Phật ra đời. Từ đó, Phật giáo Việt Nam lấy ngày trăng tròn tức là ngày rằm tháng 4 là ngày quyết định cho sự kiện này.
Tuy nhiên để kết hợp với truyền thống và Phật giáo toàn cầu, Việt Nam đưa ra mùa Phật đản, không còn là một ngày nữa mà bắt đầu từ mùng 8.4 đến rằm tháng tư, đó là kỷ niệm ngày ra đời của Đức Thích Ca Mâu Ni.
Năm 1999, Liên Hợp Quốc đã quyết định công nhận ngày lễ Vesak là một ngày Tam hợp, kết hợp ba ngày lễ Đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập Niết Bàn, được tổ chức vào ngày Rằm tháng tư âm lịch.
Việt Nam đã hai lần đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc vào năm 2008 tại thủ đô Hà Nội và năm 2014 Ninh Bình.
Theo truyền thống Đại lễ Phật đản được tổ chức trang trọng, thành kính. Lễ hội này không chỉ là dịp để phật tử trên khắp thế giới bày tỏ sự tôn kính về Đức Phật Thích Ca, mà còn là cơ hội để cộng đồng Phật tử kết nối, chia sẻ niềm tin và thực hiện các hoạt động từ thiện.
Những việc nên làm trong ngày Lễ Phật Đản
Đi chùa cầu bình an, tưởng nhớ về Đức Phật: Vào những ngày này, chùa thường trang hoàng như treo cờ Phật giáo, cờ tổ quốc, lồng đèn, làm sự kiện, tổ chức chương trình văn nghệ, vui chơi tạo không khí vui cho chùa, Phật tử và xóm làng xung quanh.
Ăn chay: Ăn chay là hình thức hướng về Phật, giúp tâm hồn an yên, gạt bỏ muộn phiền, tích đức cho bản thân, gia đình và con cái.
Nghe Pháp, giảng đạo: Đây là dịp để bạn tham gia các khóa học về Phật, hiểu thêm về tôn giáo của bản thân cũng như gột rửa tâm hồn.
Phóng sinh: Phóng sinh là một hoạt động mang tính nhân văn cao mà Phật Tử nên làm. Điều này giảm bớt sát sanh mà còn giúp con người có lòng từ bi và sống an lạc, vui vẻ.