Ngày 2-9 được chính thức gọi là ngày Quốc khánh Việt Nam từ khi nào?
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản ”Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử do chính Người chuẩn bị, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Có một điều không nhiều người biết là ngày 2/9/1945 ngay sau đó chưa được gọi là Ngày Quốc khánh mà được gọi bằng cái tên “Ngày Độc lập”, “ngày Quốc khánh Việt Nam” được quy định là ngày 19-8 dương lịch.
Điều này có thể được thấy rõ tại Sắc lệnh 22C NV/CC ngày 18/2/1946 do Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký, theo đó quy định những ngày Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, tính theo dương lịch và âm lịch có ấn định ngày 2/9 là “Ngày Việt Nam độc lập”.
Tiếp theo, tại Sắc lệnh 141 ngày 26/7/1946 do Quyền Chủ tịch Chính phủ Huỳnh Thúc Kháng ký, ấn định lấy ngày 19/8, ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám là ngày Quốc khánh Việt Nam. Điều 2 của Sắc lệnh này nêu rõ, “Ngày Quốc khánh Việt Nam” sẽ thêm vào bảng kê khai những ngày lễ chính thức theo Sắc lệnh 22C.
Ngày Quốc khánh 2-9 được tìm thấy trong nội dung “Khẩu hiệu kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9” do Chính phủ ban hành năm 1954, trong đó có câu: “Nhiệt liệt chúc mừng ngày kỷ niệm lần thứ 9 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9”. Đặc biệt, tên gọi “Quốc khánh 2-9” cũng xuất hiện trong bài đăng “Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9” trên Báo Nhân Dân năm 1954.
Đây là lần đầu tiên, ngày 2-9 xuất hiện trên các kênh thông tin chính thức của nước ta với tên gọi ngày Quốc khánh. Như vậy có thể nói rằng, kể từ sau năm 1954, ngày 2-9 được Chính phủ công nhận là Ngày Quốc khánh.
Tuy nhiên, dù được công nhận trong khoảng thời gian nào, ngày 2-9-1945 vẫn là sự kiện lịch sử quan trọng, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, đánh dấu sự ra đời Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Ý nghĩa lịch sử ngày Quốc khánh Việt Nam
Ngày Quốc Khánh 2/9 có ý nghĩa vô cùng to lớn và quan trọng đối với dân tộc ta. Đây được coi là ngày hội lớn của dân tộc, đánh dấu bước ngoặt lớn và thành công trong lịch sử Việt Nam.
Ngày Quốc khánh là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam, thể hiện lòng tự hào, yêu nước và biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Trong ngày Quốc khánh, người Việt Nam thường có những hoạt động như: cắm cờ, hát quốc ca, xem pháo hoa, xem diễu hành, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch... Người Việt Nam cũng thường trang trí nhà cửa, công sở, đường phố bằng cờ, hoa, băng rôn màu đỏ sao vàng - biểu tượng của quốc kỳ Việt Nam.
Lễ quốc khánh 2025 được nghỉ bao nhiêu ngày?
Theo Bộ luật lao động 2019 ở Khoản 1 và khoản 3 Điều 112 đã quy định Quốc Khánh sẽ được nghỉ 2 ngày vào 02/09 và 1 ngày trước hoặc sau đó. Năm 2025 ngày Quốc Khánh rơi vào ngày thứ 3, do đó công chức học sinh sẽ được nghỉ thêm ngày thứ 2 trước đó.
Như vậy dịp Quốc khánh 02/09/2025 công chức, học sinh, người lao động được nghỉ 4 ngày liên tiếp, từ ngày 30/08 đến hết ngày 02/09/2025. Trong đó có hai ngày nghỉ Quốc khánh theo quy định và hai ngày nghỉ cuối tuần.
Nguồn ảnh: laodong.vn