Tổng hợp lịch toàn quốc, lịch các sự kiện lớn

Tết Hàn Thực 2025

Ngày sự kiện: Thứ 2, 31/03/2025
Số ngày nghỉ : Không

Tết Hàn thực là gì?

Tết Hàn thực còn được gọi là Tết bánh trôi bánh chay diễn ra vào ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, mỗi gia đình đều làm các món bánh trôi, bánh chay, nấu xôi chè,.. để lễ Phật và cúng tổ tiên.

Năm 2025, Tết hàn thực sẽ vào thứ hai (ngày 31/03/2025 dương lịch).

Nguồn gốc Tết Hàn thực

Theo nghĩa chữ Hán, "hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Phong tục cổ truyền này có nguồn gốc từ Trung Quốc với điển tích Giới Tử Thôi chết cháy.

Theo truyền thuyết thì vào thời xa xưa, vua nước Tấn là Tấn Văn Công gặp loạn phải bỏ đi lưu vong lúc thì ở nước Tề, lúc ở nước Sở. Vị hiền sĩ Giới Tử Thôi luôn ở bên cạnh vua để phò tá, bày mưu tính kế.

Có hôm trên đường đi lánh nạn, đã hết lương thực Giới Tử Thôi đã cắt một phần miếng đùi của mình để cho vua ăn. Sau khi nhà vua ăn xong mới biết sự hi sinh của Giới Tử Thôi nên rất cảm kích.

Thế nhưng, khi đoạt lại ngôi báu, lúc phong thần cho những người có công, vua Tấn lại quên mất sự giúp đỡ của Giới Tử Thôi.

Tuy vậy, Giới Tử Thôi vẫn không hề oán giận, ông trở về đưa mẹ già vào trong núi ở ẩn. Một thời gian sau, khi vua nhớ ra bèn cho người đi tìm nhưng Giới Tử Thôi không chịu về lĩnh thưởng. Vua thấy vậy hạ lệnh đốt rừng để ép ông phải ra mặt nhưng lại khiến mẹ con ông bỏ mạng chốn núi rừng vào đúng ngày 3/3 âm lịch.

Cái chết của Giới Tử Thôi khiến vua đau lòng và ân hận. Vua Tấn cho lập miếu thờ, hạ lệnh kiêng dùng lửa suốt 3 ngày và chỉ ăn thức ăn nguội lạnh nấu sẵn. Hàng năm, cứ đến 3/3 âm lịch, người dân bị cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước.

Theo phong tục cổ truyền, ngày 3/3 âm lịch hàng năm là ngày tết Hàn thực, tưởng nhớ Giới Tử Thôi.

Tết Hàn thực bắt nguồn từ truyền thuyết ở Trung Quốc nhưng khi vào Việt Nam ngày này lại có ý nghĩa tâm linh khác biệt, có những thay đổi nhất định để phù hợp với văn hóa Việt.

Không như Trung Quốc, Tết Hàn thực ở Việt Nam không dùng để tưởng nhớ đến hiền sĩ Giới Tử Thôi, Tết người Việt sẽ hướng tới nguồn cội cũng như nhớ đến công lao của những người đã khuất.

Tục lệ ăn bánh trôi, bánh chay vào tết Hàn thực ở Việt Nam được nhà nghiên cứu Trần Quang Dực cho là bắt đầu từ giai đoạn nhà Lê Trung Hưng (1533 - 1789). Trong các ghi chép về văn hóa dân gian, Lê Quý Đôn cũng viết rằng "Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy.” đã chứng tỏ phần nào sự lâu đời của tục ăn bánh trôi, bánh chay ở nước ta.

Ý nghĩa của bánh trôi, bánh chay trong ngày  Tết Hàn thực

Tết Hàn thực của người Việt mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người đã khuất.

Bánh trôi nước, bánh chay là những món ăn quen thuộc vào ngày tết hàn thực mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, là kết tinh của nét đẹp văn hóa và bản sắc của người Việt.

Bánh trôi, bánh chay đều được làm từ bột gạo nếp mang đậm ý nghĩa của văn hóa lúa nước Việt Nam tương tự như bánh chưng, bánh giầy.

Hình ảnh những chiếc bánh trôi, bánh chay tròn vo, trắng bóc, xếp đầy cạnh nhau trên đĩa còn mang ý nghĩa tưởng nhớ tới sự tích “mẹ Âu Cơ cùng bọc trăm trứng”

Hình dáng của bánh trôi tròn đều, bên trong phần nhân đường phèn hình vuông, gợi lên câu tục ngữ "mẹ tròn con vuông". Bánh chay vỏ trắng tính dương, phần nhân đậu xanh bên trong vàng tươi sáng mang tính âm, âm dương giao hòa. Dùng bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn thực thể hiện mong muốn mùa hè không còn oi bức, thời tiết thuận hòa.



Các sự kiện khác