Tết Trung thu là gì?
Tết trung thu còn có nhiều tên gọi khác là: tết trông trăng, tết thiếu nhi, tết đoàn viên...là một lễ hội truyền thống quan trọng diễn ra vào ngày Rằm 15 tháng 8 âm lịch hàng năm.
Tết Trung Thu là một dịp đặc biệt dành cho trẻ em, và cũng là dịp để gia đình sum họp, tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong những điều tốt đẹp cho gia đình và xã hội.
Nguồn gốc Tết trung thu
Cho đến bây giờ, vẫn chưa xác minh rõ ràng được lịch sử tết Trung thu bắt nguồn từ văn minh lúa nước của Việt Nam hay tiếp nhận từ văn hóa Trung Hoa.
Theo các nhà khảo cổ học, Tết Trung Thu ở Việt Nam đã tồn tại từ thời xa xưa và được ghi chép trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Văn bia chùa Đọi năm 1121 cũng chứng minh rằng từ thời nhà Lý, Tết Trung thu đã được tổ chức chính thức tại kinh thành Thăng Long với các cuộc đua thuyền, múa rối nước và cuộc rước đèn. Trong thời kỳ Lê - Trịnh, Tết Trung thu được tổ chức tại phủ Chúa với sự hoành tráng, như đã được miêu tả trong "Tang thương ngẫu lục".
Theo dân gian lưu truyền, nguồn gốc Tết Trung Thu ở Việt Nam cũng xuất phát từ Trung Quốc. Tết trung thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, thời vua Duệ Tôn. Vào đêm khuya rằm tháng tám, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chạm mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Vua Đường sau khi thăm cung trăng trở về vẫn còn lưu luyến cảnh đẹp diệu kỳ nơi đó nên ra lệnh cho nhân dân cả nước tổ chức bày tiệc và rước đèn vào ngày rằm tháng tám hàng năm. Dần dần việc bày tiệc và rước đèn ngày 15 tháng 8 hàng năm trở thành phong tục trong dân gian.
Phong tục Tết Trung thu ở Việt Nam
Tết Trung thu là một ngày lễ truyền thống giàu ý nghĩa văn hóa trong đời sống người Việt. Các hoạt động chủ yếu của Tết Trung thu là vui chơi, văn nghệ vui nhộn mang đậm nét đặc trưng như:
Rước đèn: Tết trung thu trẻ em thường được bố mẹ mua cho những chiếc đèn xếp, đèn lồng, đèn ông sao, đèn con giống... nhiều màu sắc thắp sáng kéo nhau đi từng đoàn ca hát vui vẻ, tối tối cùng nhau đi nhởn nhơ ngoài đường, ngoài ngõ.
Múa lân: Đội múa Lân thường gồm có một người đội chiếc đầu Lân và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Ngoài ra còn có thanh la, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu Lân,.... Múa lân Trung thu thường diễn ra trước cửa nhà hoặc trên sân trường, đình làng, thu hút sự chú ý và niềm vui của mọi người.
Bánh trung thu: Nhắc đến Tết Trung thu không thể không nhắc đến chiếc bánh nướng, bánh dẻo. Bánh Trung thu không chỉ là món ăn ngon mà còn mang ý nghĩa gửi gắm sự sum vầy, đoàn kết và tình yêu thương gia đình trong mùa Trung thu.
Phá cỗ: Mâm cỗ Trung Thu thông thường có nhiều hoa quả, món ăn đặc trưng của mùa thu như quả bưởi, hồng, chuối, thị, dưa hấu, cốm,.. và những loại bánh nướng, bánh dẻo. Tùy vào từng gia đình mà cỗ được trang trí khác nhau. Mọi người quây quần cùng nhau phá cỗ và thưởng thức hương vị của Tết Trung thu.
Tết trung thu 2025 vào ngày nào?
Tết Trung Thu năm nay rơi vào thứ Hai, ngày 06/10/2025 Dương lịch.