Tổng hợp lịch toàn quốc, lịch các sự kiện lớn

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn, Hải Dương 2024

Ngày sự kiện: Từ ngày 23/2/2024 đến 3/3/2024
Số ngày nghỉ : Không

Giới thiệu về chùa Côn Sơn

Chùa Côn Sơn hay Thiên Tư Phúc Tự là ngôi chùa nằm dưới chân núi Côn Sơn được xây dựng từ thế kỷ XIV thuộc địa phận xã Cộng Hoà, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa có tiền thân là một ngôi chùa nhỏ gọi là Kỳ Lân được nhà sư Pháp Loa xây dựng từ năm Hưng Long thứ 12, tức năm 1304. Đến năm Khai Hựu đầu tiên 1329 chùa được mở rộng thành Côn Sơn Thiên Tự do sư Huyền Quang làm trụ trì. Trải qua những biến thiên của lịch sử, Chùa Côn Sơn ngày nay bị thu nhỏ lại so với kiến trúc thời Lê, bao gồm các công trình như Tam quan, Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện.

Ngôi chùa nổi tiếng này là một trong ba trung tâm lớn thuộc thiền phái Trúc Lâm trước đây. Chùa đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng năm 1994 và là một trong những di tích đặc biệt thuộc cụm di tích núi Côn Sơn - Kiếp Bạc. 

Chùa Côn Sơn cũng là nơi mà danh nhân Nguyễn Trãi đã lui về và sống những ngày cuối đời. Nơi đây đã chứng kiến chặng đường cuối của vị danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc nổi tiếng. 

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn

  • Thời gian: Lễ hội  truyền thống mùa xuân Côn Sơn được diễn ra từ ngày 14 đến 23 tháng giêng âm lịch. Năm 2024 lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 23/2- 3/3.2024 theo lịch dương.
  • Địa điểm: Khu di tích Côn Sơn , thành phố Chí Linh, Hải Dương.

Nguồn gốc của lễ hội mùa xuân Côn Sơn Kiếp Bạc

Huyền Quang là một trong những trí thức tài năng, nổi tiếng thơ văn, đỗ Tiến sĩ từ năm 21 tuổi, từng làm quan tại Viện Hàn lâm. Ông đã từ bỏ chốn quan trường, quyết chí tu hành, học đạo, được Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông giao chuyên tâm biên soạn kinh sách về Phật học.

Những năm cuối đời, ông về trụ trì tại chùa Côn Sơn, tôn tạo mở rộng chùa với nhiều công trình kiến trúc và chùa Côn Sơn trở thành một trong những trung tâm của dòng thiền phái Phật giáo Trúc Lâm.

Ngày 23 tháng Giêng năm Khai Hựu thứ 6 (1334), Tổ Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn, Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông đã ban thụy hiệu là: Trúc Lâm thiền sư đệ tam đại, đặc phong tự pháp Huyền Quang Tôn giả và xuất ngân quỹ để xây Đăng Minh Bảo Tháp cho sư tổ ở sau chùa. Ngày giỗ Tổ Huyền Quang đã trở thành ngày hội truyền thống mùa xuân Côn Sơn.

Trải qua trên 700 năm tồn tại và phát triển, Lễ hội mùa xuân Côn Sơn trở thành “quốc lễ” của đất nước, là lễ hội truyền thống không thể thiếu trong đời sống tâm linh của dân tộc.

Nghi thức lễ hội mùa xuân Côn Sơn

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn không chỉ hấp dẫn du khách bởi các nghi lễ, diễn xướng linh thiêng, độc đáo mà còn hấp dẫn bởi các hoạt động hội đa dạng, phong phú mang tính đặc thù.

Phần lễ:

Mở đầu các nghi lễ trong Lễ hội mùa xuân Côn Sơn là lễ khai hội, tổ chức vào sáng 16 tháng Giêng Âm lịch. Tiếp đến là nghi lễ rước nước. Đoàn rước ra đến hồ Côn Sơn làm lễ xin nước với đầy đủ các nghi thức như: dâng hương, trì chú, đăng đàn cầu nước, an vị thuỷ bình. Sau đó bình nước được rước về Tổ đường chùa Côn Sơn làm lễ mộc dục Trúc Lâm tam tổ theo nghi thức truyền thống của Phật giáo.

Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc diễn ra vào sáng ngày 17 tháng Giêng tại Trung Nhạc miếu. Cùng với lễ tế diễn ra tại Trung Nhạc miếu, chủ tế, đại biểu các sở, ngành và nhân dân cũng dâng hương tại: Bắc Nhạc miếu, Tây Nhạc miếu, Đông Nhạc miếu và Nam Nhạc miếu. Lễ đàn Mông Sơn thí thực diễn ra vào tối ngày 23 tháng Giêng Âm lịch. 

Phần hội:

Phần hội mùa xuân Côn Sơn rất phong phú sôi nổi với Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy, liên hoan pháo đất, vật cổ truyền, cờ tướng, viết chữ thư pháp….



Các sự kiện khác